Đất nước hòa bình, ổn định và đang phát triển. Để tiếp tục giữ vững sự hòa bình ổn định đó, cần phải có sự đóng góp tích cực bằng trách nhiệm và bằng sự đoàn kết của toàn dân. Chấp hành pháp luật, bảo vệ sự bình yên cho nhà máy, công sở, địa phương, quê hương là yêu nước.
Từ bị lôi kéo, kích động dẫn tới tù tội
Mới đây, vụ việc tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận vào các ngày 10 và 11.6.2018 đã được đưa ra xét xử. Theo cáo trạng của VKSND huyện Tuy Phong, sáng 10.6, rất nhiều người đã tụ tập trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong. Khi lực lượng chức năng yêu cầu giải tán, một số người quá khích đã la hét, hô hào dùng gạch đá, gậy gộc tấn công lực lượng công an, làm một số cảnh sát bị thương. Tại phiên xét xử, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội. Mười bị cáo tham gia gây rối trật tự, đập phá tài sản, đã bị tòa tuyên phạt từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù giam.
Còn TAND TP.Phan Thiết (Bình Thuận) đã đưa 7 bị cáo ra xét xử về tội gây rối trật tự công cộng trong vụ những người quá khích tấn công trụ sở công quyền ngày 10-11.6. Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm lỗi của mình. Nhiều bị cáo khai nhận được một số người không rõ danh tính cho tiền, xúi giục ném gạch đá vào cảnh sát. Một số bị cáo do thiếu hiểu biết, bị kích động đã tham gia ném đá, bom xăng vào lực lượng chức năng.
Tại Đồng Nai, TAND TP.Biên Hòa đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 20 bị cáo về tội “gây rối trật tự công cộng” và tuyên phạt 15 bị cáo mức án từ 8 tháng đến 18 tháng tù giam, 5 bị cáo bị phạt từ 12 tháng đến 14 tháng cải tạo không giam giữ.
Theo cáo trạng, từ khoảng 12h-16h ngày 10.6, tại các tuyến đường QL1A, Phạm Văn Thuận, Dương Tử Giang (TP.Biên Hòa), các bị cáo đã lấn chiếm hết lòng đường, ngăn cản các phương tiện lưu thông qua lại, gây ách tắc giao thông. Những đối tượng trên cùng đám đông hàng trăm người đã gây rối trật tự nơi công cộng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; làm ách tắc giao thông trên tuyến QL1A kéo dài từ 12h-14h; ách tắc giao thông trên đường Phạm Văn Thuận, Dương Tử Giang kéo dài từ khoảng 14h-16h.
Gây rối, đập phá tài sản không thể gọi là yêu nước
Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho hay: Yêu nước là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Phải nói chính lòng yêu nước đó được phát huy đến cao độ thì chúng ta mới có độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như ngày hôm nay. Do vậy, những người lợi dụng lòng yêu nước để gây rối, đập phá tài sản nhà nước mà cũng chính là tài sản của nhân dân thì không thể gọi đó là người yêu nước được.
“Tôi muốn nói với bà con rằng yêu nước nhưng phải tỉnh táo. Những hành động vừa qua, tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự, thậm chí có kẻ xấu lợi dụng, kích động, tấn công cả lực lượng chức năng… là hành động đi ngược lại với lòng yêu nước, có thể dẫn tới những hậu quả khó lường” - ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
GS-TS Đào Trọng Thi - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhìn nhận: Một số đối tượng đã lợi dụng chiêu bài “kêu gọi lòng yêu nước” để kích động, lôi kéo đám đông, gây mất an ninh trật tự, biến tụ tập đông người thành bạo động… rõ ràng là chuyện vi phạm pháp luật. Việc này phải được nghiêm trị.
Không để chuyện những người yêu nước lại bị kẻ xấu lợi dụng
Theo ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - pháp luật sẽ không dung thứ cho những hành vi, hành động gây mất kỷ cương, phép nước như vậy. Những người nào vi phạm pháp luật đều phải xử theo những mức độ, nặng, nhẹ khác nhau. Với những thành phần lôi kéo, kích động thì phải nghiêm trị. Không thể có chuyện ở đất nước hòa bình, những con người yêu nước lại bị những kẻ xấu lợi dụng để chà đạp lên hạnh phúc của nhân dân.
Kích động biểu tình trái phép phạm tội gì?
Trao đổi với Lao Động, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó, người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người nào có hành vi kích động biểu tình trái phép, chống đối người thi hành công vụ, đập phá hủy hoại tài sản của tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về: Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015)
Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm. V.TRẦN - C.NGUYÊN